GẮN KẾT GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆPVỚI THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG

Đánh giá bài viết

Giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm cho người lao động là hướng đi hiệu quả và đã được chứng minh từ thực tế. Xu hướng này đòi hỏi mỗi cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng phải gắn kết nhà trường – lao động – doanh nghiệp, đảm bảo chuẩn đầu vào và đầu ra cả về số lượng lẫn chất lượng lao động.

Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng được doanh nghiệp tư vấn việc làm ngay sau lễ nhận bằng tốt nghiệp. Ảnh: LAM PHƯƠNG
Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng được doanh nghiệp tư vấn việc làm ngay sau lễ nhận bằng tốt nghiệp.
Ảnh: LAM PHƯƠNG

“CÓ VIỆC LÀM”, CÓ TƯƠNG LAI

Trong 5 năm (2021 – 2025) thực hiện chương trình “Có việc làm”, thành phố Đà Nẵng đạt nhiều kết quả tích cực. Bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho 34.250 lượt lao động; tỷ lệ tạo việc làm tăng thêm đạt 5,2%/năm.

Những kết quả ấn tượng

Tháng 7/2021, UBND thành phố ban hành kế hoạch thực hiện chương trình “Có việc làm” giai đoạn 2021 – 2025, đề ra nhiều giải pháp cụ thể về phát triển thị trường lao động, kết nối cung – cầu lao động, cho vay vốn giải quyết việc làm…

Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng phối hợp với phường An Khê đưa “chợ việc làm” về khu dân cư.
Ảnh: LAM PHƯƠNG

Với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của các sở, ngành, địa phương, công tác giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố trước ngày hợp nhất với Quảng Nam đạt nhiều kết quả ấn tượng. Thành phố đẩy mạnh thu hút, xúc tiến đầu tư, phát triển kinh tế tạo việc làm mới.

Từ năm 2021 đến hết tháng 6/2025, thành phố thu hút 105 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 166.338 tỷ đồng; 386 dự án FDI cấp mới với tổng vốn đăng ký 940 triệu USD. Đồng thời cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 21.100 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện. Nhờ đó, tỷ lệ tạo việc làm tăng thêm bình quân hằng năm đạt 5,2%, góp phần đáng kể trong việc giải quyết việc làm.

Để nâng cao hiệu quả tư vấn, giới thiệu việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng (thuộc Sở Nội vụ) tổ chức đa dạng hình thức: tư vấn trực tiếp, tư vấn qua điện thoại, email; lập các hội, nhóm mạng xã hội (Facebook, Zalo) để cập nhật thông tin tuyển dụng và phản hồi nhanh câu hỏi từ người lao động.

Đặc biệt, trung tâm duy trì và nâng cao chất lượng các phiên giao dịch việc làm định kỳ, phối hợp các địa phương lân cận tổ chức giao dịch việc làm trực tuyến để mở rộng cơ hội việc làm cho người lao động.

Điểm mới trong công tác giới thiệu việc làm là phối hợp với xã, phường thực hiện các điểm cầu giới thiệu việc làm tại cơ sở. Qua đó, đưa hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm đến gần hơn với người lao động.

                                                                                          Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng và doanh nghiệp “bắt tay” giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp.
                                                                                                                                                           Ảnh: LAM PHƯƠNG

Kết quả, qua 5 năm đã tư vấn việc làm cho 499.887 lượt người; kết nối việc làm cho 26.222 lượt người, trong đó có 18.368 lượt người có việc làm.

Hoạt động cho vay vốn giải quyết việc làm được các sở, ngành, địa phương phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố triển khai đạt kết quả tích cực. Trong 5 năm qua có 87.778 lượt lao động được vay vốn để tạo, duy trì và mở rộng việc làm, chiếm 51,6% tổng mục tiêu giải quyết việc làm toàn thành phố, góp phần quan trọng vào giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững.

Hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài được các địa phương và người lao động quan tâm. Số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng dần qua các năm, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Cần giải pháp mới

Sau hợp nhất với Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng mới có dân số hơn 3 triệu người, mở ra dư địa lớn để tiếp tục thực hiện chương trình “Có việc làm” giai đoạn 2026 – 2030. Tuy nhiên, sự khác nhau về diện tích và cơ cấu nền kinh tế giữa hai địa phương trước khi hợp nhất mang đến nhiều thách thức, đòi hỏi giải pháp phù hợp hơn trong giai đoạn tới.

Theo đó, thành phố cần tiếp tục thực hiện các chính sách cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế; thu hút doanh nghiệp lớn đến hoạt động, góp phần tạo việc làm cho người lao động. Đồng thời có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, kinh tế tư nhân, thúc đẩy khởi nghiệp, tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động.

Song song đó, cần rà soát, đánh giá tổng thể các cơ chế, chính sách không còn phù hợp để đề xuất HĐND thành phố sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới cho phù hợp, nhất là các chính sách về đào tạo nghề, chuyển đổi ngành nghề cho thanh niên, phụ nữ nông thôn, lao động bị thu hồi đất sản xuất, quân nhân xuất ngũ,…

                                                       Trường Cao đẳng Quảng Nam đã đạt được tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tạo thuận lợi trong đào tạo và hợp tác đào tạo với nước ngoài.
                                                                                                                                                                           Ảnh: DIỄM LỆ

Trong bối cảnh thành phố Đà Nẵng có địa bàn rộng lớn, việc thu thập, cập nhật và tổng hợp thông tin thị trường lao động rất cần thiết, giúp hình thành kênh thông tin việc làm chính thống. Các đơn vị, địa phương cần vận động cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp khai báo nhu cầu tuyển dụng lao động thông qua app Danang Smart City; xúc tiến xây dựng app thông tin thị trường lao động để triển khai đến toàn dân.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng cần nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động, đa dạng hình thức kết nối cung – cầu lao động.

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Quí Quý, chương trình “Có việc làm” được lãnh đạo thành phố rất quan tâm. Đây là mấu chốt của phát triển kinh tế – xã hội. “Sắp tới, Sở Nội vụ tham mưu UBND thành phố tổ chức hội nghị đánh giá chương trình “Có việc làm” trên toàn địa bàn, trong đó nêu thực trạng để đề ra mục tiêu, giải pháp căn cơ giai đoạn 2026 – 2030. Nhất là tham mưu những chính sách tác động trực tiếp để người lao động được hưởng lợi khi tham gia thị trường lao động”, ông Quý nói.

CƠ HỘI TỪ THỊ TRƯỜNG NƯỚC NGOÀI

Thời gian qua, Trường Cao đẳng Quảng Nam đẩy mạnh hợp tác với các tập đoàn Nhật Bản để đưa sinh viên sang Nhật thực tập, mở ra cơ hội làm việc lâu dài, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động cũng như thu nhập.

Đào tạo theo đơn đặt hàng

Tại Trường Cao đẳng Quảng Nam, việc đào tạo theo đơn đặt hàng là định hướng được nhà trường thực hiện từ nhiều năm qua. Nhà trường chú trọng đổi mới công tác tuyển sinh, kết nối với khoảng 40 đơn vị, địa phương, doanh nghiệp để tạo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Việc triển khai công tác tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh tại các trường THCS, THPT được nhà trường phối hợp thực hiện ngay từ đầu năm học.

                                                                                                                Trường Cao đẳng Quảng Nam tư vấn tuyển sinh đến từng người học có nhu cầu.
                                                                                                                                                                      Ảnh: DIỄM LỆ

Đặc biệt, các trường học ở khu vực nông thôn, miền núi được trường chú trọng; cán bộ, nhân viên tuyển sinh đi tận cơ sở từng thôn, bản để tuyển dụng người học nghề. Thông qua chính quyền ở địa phương, ban giám hiệu các trường học, vai trò của người có uy tín là trưởng thôn đã hỗ trợ tích cực cho nhà trường trong công tác tuyển sinh.

PGS-TS. Vũ Thị Phương Anh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quảng Nam cho biết, tập thể nhà trường luôn đặt quyết tâm tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác liên kết đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn lao động. Các khoa chuyên môn đều có liên kết với doanh nghiệp trong phối hợp nâng cao chất lượng đào tạo, thực hành thực tập cho học sinh, sinh viên.

Chúng tôi phối hợp với doanh nghiệp từ xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với thực tiễn hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Đồng thời phía doanh nghiệp cử người tham gia giảng dạy một số học phần chuyên môn, dạy chuyên đề, tư vấn hướng nghiệp, hỗ trợ học bổng và tiếp nhận thực tập. Nhiều doanh nghiệp hợp tác với trường trong tuyển dụng lao động ở các ngành chăn nuôi, dịch vụ thú y, bảo trì và sửa chữa ô tô, cơ khí, điện – điện tử…”

PGS-TS. Vũ Thị Phương Anh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quảng Nam

Nhiều năm qua, công tác liên kết đào tạo được nhà trường đẩy mạnh, hợp tác quốc tế đi vào chiều sâu; trong đó nổi bật là chương trình phối hợp đào tạo với Nhật Bản, Đức.

Điển hình, có thể kể đến sự hợp tác giữa Trường Cao đẳng Quảng Nam với Công ty Win Group (Nhật Bản) về đào tạo nghề và tuyển dụng lao động ngành ô tô làm việc tại Nhật Bản.

Các buổi gặp gỡ, trao đổi giữa nhà trường và các công ty đều có sự tham gia của học sinh sinh viên theo học khối ngành đang được các doanh nghiệp quan tâm tuyển dụng ở Trường Cao đẳng Quảng Nam. Đồng thời học sinh, sinh viên được tư vấn cụ thể về môi trường, các kỹ năng, kiến thức liên quan để làm việc lâu dài tại Nhật Bản…

Cơ hội thực tập sinh nước ngoài

Nhằm giúp học sinh, sinh viên tiếp cận thị trường lao động của Đức, Trường Cao đẳng Quảng Nam đã hợp tác với Trường Cao đẳng Nguyễn Văn Trỗi (thành phố Đà Nẵng), thông qua Công ty Tư vấn du học và Cung ứng lao động Toàn Cầu Việt.

                                                                        Việc đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp, hiệp hội nước ngoài giúp Trường Cao đẳng Quảng Nam mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên.
                                                                                                                                                                            Ảnh: DIỄM LỆ

Các bên đang phối hợp tuyển sinh, đào tạo học viên để đưa sang Đức làm việc từ tháng 3/2025 đến nay. Sau tuyển sinh, học viên sẽ học tiếng Đức (từ A1 đến B1) tại Trường Cao đẳng Nguyễn Văn Trỗi trong thời gian 6-10 tháng. Trường hợp tổ chức đào tạo tiếng Đức tại Trường Cao đẳng Quảng Nam phải đảm bảo 40 học viên trở lên.

Học viên được sang Đức theo hình thức du học và làm việc. Thời gian đào tạo nâng cao tay nghề tại Đức là 36 tháng, trong thời gian học nâng cao tay nghề với mức lương từ 900 Euro đến 1.300 Euro/tháng (tương đương 25-36 triệu đồng).

Sau khi đào tạo nâng cao tay nghề tại Đức, học viên phải vượt qua kỳ thi cuối cùng và đạt chứng chỉ do Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức cấp. Lúc này, học viên sẽ được ký hợp đồng 3 năm với mức lương từ 2.000 Euro đến 3.500 Euro/tháng (tương đương 55-97 triệu đồng).

Các thủ tục và việc đào tạo, đưa lao động sang Đức được Công ty Tư vấn du học và Cung ứng lao động Toàn Cầu Việt thực hiện.

Với thị trường Nhật Bản, mới đây nhất, Công ty CP Frieden, Nhật Bản và Hiệp hội Xúc tiến Internship OHD Nhật Bản đến thăm và trao đổi với nhà trường về việc tiếp tục tuyển dụng học sinh, sinh viên của nhà trường tới Nhật Bản.

                                                                      Các chương trình hợp tác được ký kết giữa Trường Cao đẳng Quảng Nam với các đối tác giúp sinh viên có điều kiện thực tập, làm việc tốt hơn.
                                                                                                                                                                                   Ảnh: DIỄM LỆ

Tại cuộc làm việc, ông Yukimasa Midorikawa, Giám đốc Tài chính Công ty Frieden đánh giá cao tinh thần làm việc, thái độ nghiêm túc và khả năng thích nghi của sinh viên Trường Cao đẳng Quảng Nam đã và đang làm việc tại Nhật Bản. Công ty mong muốn chào đón sinh viên quay trở lại làm việc lâu dài và phát triển trở thành nhân sự cốt lõi của Frieden.

Với sự kết nối của Hiệp hội Xúc tiến Internship OHD Nhật Bản, Trường Cao đẳng Quảng Nam có thêm cơ hội hợp tác với các tập đoàn, công ty tại đất nước mặt trời mọc, góp phần mở rộng thị trường lao động cho học sinh, sinh viên nhà trường.

Đáng chú ý, Hiệp hội OHD cùng nhà trường đã thỏa thuận sẽ tổ chức ngày hội việc làm với doanh nghiệp Nhật Bản tại Trường Cao đẳng Quảng Nam trong tháng 11/2025. Sự kiện hứa hẹn mang đến nhiều cơ hội thực tập và việc làm quốc tế cho sinh viên tại Đà Nẵng và khu vực miền Trung, đặc biệt trong các lĩnh vực cơ khí, chăn nuôi, thú y và công nghệ cao.

THU HẸP KHOẢNG CÁCH CUNG – CẦU LAO ĐỘNG

Hướng nghiệp, phân luồng tuyển sinh, đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, tổ chức ngày hội việc làm… là các giải pháp thu hẹp khoảng cách giữa cung – cầu lao động, giảm tình trạng tái đào tạo khi tiếp cận công việc thực tế.

Giảm độ chênh giữa đào tạo và tuyển dụng

Những năm gần đây, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thường xuyên cập nhật ngành nghề đào tạo mới, trọng điểm, tập trung các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của thành phố. Trong đó, một số trường hiện có đào tạo trình độ trung cấp 9+ và cao đẳng với nhiều ngành nghề hấp dẫn.

                                                                                              Các trường nghề đẩy mạnh công tác tư vấn, tuyển sinh phân luồng cho học sinh các cấp tham gia học nghề.
                                                                                                                                                                                     Ảnh: THU HÀ

Đơn cử, Trường Cao đẳng Thương mại (thuộc Bộ Công Thương) có đào tạo thương mại điện tử, logistics, marketing thương mại, kinh doanh thương mại, kinh doanh xuất nhập khẩu. Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương 5 (thuộc Bộ Giao thông vận tải) có các nhóm ngành nghề kỹ thuật và công nghệ thông tin, nhóm ngành nghề khoa học xã hội nhân văn, nghệ thuật, kinh doanh. Trường Cao đẳng Đà Nẵng (sau khi sáp nhập Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng và Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng) đào tạo các ngành lĩnh vực kỹ thuật công nghệ cao, du lịch, kinh tế dịch vụ…

Ông Nguyễn Văn Như, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và giới thiệu việc làm, Trường Cao đẳng Đà Nẵng cho biết, nhà trường đang đào tạo 37 ngành nghề, trong đó có 7 ngành nghề chất lượng cao, chuẩn quốc tế. Năm học 2025 – 2026, trường tuyển sinh hệ trung cấp 600 chỉ tiêu, hệ cao đẳng 1.400 chỉ tiêu. Khi theo học tại trường, học sinh THCS đi học nghề được miễn giảm 100% học phí; bảo đảm việc làm 100% sau khi tốt nghiệp ra trường.

Tuy nhiên, công tác tuyển sinh vẫn gặp nhiều khó khăn do tỷ lệ học sinh chọn học nghề thấp so với mục tiêu.

Theo Kế hoạch số 7048, ngày 17/10/2019 của UBND thành phố về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh giai đoạn 2019 – 2025, toàn thành phố phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 30% số học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ chứng chỉ nghề, sơ cấp, trung cấp. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai, tỷ lệ thực tế mới chỉ đạt khoảng 13%.

                                                                                                                                                    Các doanh nghiệp tham gia tuyển dụng nhân sự.
                                                                                                                                                                               Ảnh: THU HÀ

Tỷ lệ người học đạt thấp một phần do hạn chế trong tư vấn, hướng nghiệp, trong đó dù các trường THCS đã tổ chức tư vấn tuyển sinh nhưng nhiều học sinh vẫn chưa nhận thức được giá trị của học nghề. Bên cạnh đó, sự phối hợp chưa hiệu quả giữa các trường THCS, cơ sở học nghề khiến phụ huynh và học sinh chưa hiểu rõ cơ hội nghề nghiệp và chương trình 9+ (vừa học văn hóa, vừa học nghề).

Theo ông Nguyễn Văn Như, để thu hút người học, nhà trường tăng cường mở rộng mạng lưới đào tạo gần dân cư; thành lập thêm các điểm tuyển sinh trung cấp, sơ cấp tại vùng ven thành phố để giải quyết bất cập di chuyển và nâng tính tiếp cận. Đồng thời tăng cường tư vấn, hướng nghiệp ngay từ cấp THCS; triển khai chương trình 9+ gắn với doanh nghiệp.

Nhà trường rất quan tâm đến chất lượng đào tạo, coi trọng người học là trung tâm. Bên cạnh tăng cường tư vấn tuyển sinh, thu hút người học, nhà trường thường xuyên liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo, hỗ trợ người học có việc làm sau khi ra trường…

ThS. Vũ Minh Đức, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương 5

Tăng cường kết nối cung – cầu

Bài toán việc làm luôn được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học quan tâm, chú trọng, bởi đây là một phần “thước đo” để thu hút người học. Thời gian qua, các trường đại học trên địa bàn thành phố thường xuyên tổ chức sự kiện ngày hội việc làm để kết nối doanh nghiệp (nhà tuyển dụng) với người lao động.

                                                                                                                      Tư vấn việc làm cho người lao động tại các phiên giao dịch việc làm của thành phố.
                                                                                                                                                                        Ảnh: THU HÀ

Như mới đây, tại ngày hội việc làm của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) có sự tham gia của gần 40 tập đoàn, doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng hơn 7.200 vị trí việc làm. Ngày hội việc làm của Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (Đại học Đà Nẵng) có 170 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng hơn 8.200 vị trí việc làm và thực tập. Ngày hội việc làm của Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) có 185 doanh nghiệp tham gia, tuyển dụng hơn 8.100 vị trí việc làm…

Trần Khánh Trường, sinh viên năm 4 Khoa Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế chia sẻ: “Thông qua ngày hội việc làm do các trường tổ chức, sinh viên có cơ hội tiếp cận doanh nghiệp tuyển dụng, tìm hiểu rõ hơn về những vị trí tương ứng với ngành học để tìm kiếm công việc sau khi tốt nghiệp”.

Ngày hội việc làm được nhà trường tổ chức hàng năm, tạo điều kiện cho sinh viên, doanh nghiệp, nhà trường gặp gỡ, trao đổi nhu cầu tuyển dụng cũng như đề xuất các hợp tác lâu dài giữa nhà trường và doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, xu hướng phát triển, nhu cầu về nhân lực, kỹ năng phỏng vấn, kỹ năng ứng tuyển… cho sinh viên, người lao động.

PGS-TS. Nguyễn Hữu Hiếu, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Dung, Phó Trưởng phòng Hành chính – Nhân sự, Công ty TNHH Murata Manufacturing Việt Nam, khi tham gia tuyển dụng tại ngày hội việc làm của các trường đại học, doanh nghiệp thường tập trung vào các vị trí tuyển dụng cụ thể. Bên cạnh chuyên môn được đào tạo, doanh nghiệp mong muốn các ứng viên có thêm kỹ năng về ngoại ngữ, kỹ năng thuyết trình, khả năng công nghệ…

Nguồn: baodanang.vn