Hội nghị Tham vấn chính sách Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi)

Đánh giá bài viết

Chiều 14/5, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị Tham vấn chính sách Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) (sửa đổi). Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì hội nghị.


Quang cảnh hội nghị

Tham dự hội nghị có đại diện Văn phòng Chính phủ, các Ban, Bộ, ngành Trung ương; Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GDĐT.

Thể chế hóa chủ trương lớn trong bối cảnh mới

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, quy trình xây dựng Luật GDNN (sửa đổi) được thực hiện theo đúng các chủ trương về cách thức xây dựng luật. Đồng thời, luật này sẽ góp phần thể chế hóa các chính sách, chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo nói chung, giáo dục nghề nghiệp nói riêng – đặc biệt trong bối cảnh mới với nhiều biến động trong nước và quốc tế.

Thứ trưởng cho biết, Bộ GDĐT đã tổng kết những kết quả đạt được cũng như các tồn tại, điểm nghẽn trong quá trình thực hiện Luật GDNN 2014. Trong đó, quan trọng nhất là những yêu cầu mới đặt ra đối với GDNN trong giai đoạn hiện nay, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh khoa học công nghệ – đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh – đang tác động sâu rộng, đòi hỏi năng lực mới của người lao động để hội nhập thị trường lao động quốc tế.


Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội nghị

Trước yêu cầu mới, cách tiếp cận mới và bối cảnh mới, Thứ trưởng cho rằng đây vừa là thách thức lớn đối với toàn ngành, vừa là cơ hội để phát huy các kết quả đã đạt được, đồng thời tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc trong quá trình thực thi thời gian qua – không chỉ đối với Luật GDNN mà còn với các luật liên quan khác.

Với tinh thần đó, Thứ trưởng mong muốn các đại biểu tập trung thảo luận, đưa ra những đề xuất về các vấn đề lớn của ngành và hệ thống GDNN.

Tháo gỡ điểm nghẽn, cải tổ toàn diện hệ thống GDNN

Báo cáo tóm tắt về xây dựng chính sách của Luật GDNN (sửa đổi), Phó Cục trưởng Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên Nguyễn Thị Việt Hương cho biết: Quan điểm trong xây dựng Luật GDNN (sửa đổi) là bám sát chủ trương, đường lối của Đảng về GDNN; phù hợp với Hiến pháp, pháp luật có liên quan và các điều ước quốc tế, các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập; phù hợp với tình hình thực tiễn và xu thế phát triển GDNN trong kỷ nguyên mới; Đảm bảo tính kế thừa và phát triển các quy định của pháp luật hiện hành về lĩnh vực GDNN. Kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để đổi mới và phát triển GDNN; Tuân thủ đúng quy trình xây dựng theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong xây dựng pháp luật.


Cục trưởng Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên Trương Anh Dũng trao đổi tại hội nghị

Theo Cục trưởng Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên Trương Anh Dũng, Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) hướng đến nâng cao chất lượng GDNN, thu hút người học và thay đổi cơ chế kiểm định chất lượng, đảm bảo nâng cao chất lượng GDNN. Đồng thời, Luật cũng hướng đến huy động tối đa nguồn lực cho GDNN, phân tầng, phân cấp, phân quyền, đẩy mạnh tự chủ.

Trong đó, 5 nhóm chính sách được đề xuất, xin ý kiến trong Luật đó là: Đổi mới cơ cấu hệ thống giáo dục nghề nghiệp; Đổi mới chương trình, tổ chức đào tạo và bảo đảm chất lượng GDNN; Thu hút hiệu quả doanh nghiệp và đầu tư nước ngoài vào GDNN; Đổi mới cơ chế, chính sách tài chính cho giáo dục nghề nghiệp; Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về GDNN.

Trao đổi tại hội nghị, ông Vũ Anh Hoàng – Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Công thương, đề xuất cần có chính sách tác động trực tiếp đến người học, làm rõ vai trò thực sự của giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động.


Đại biểu trao đổi tại hội nghị

Nhất trí với các đề xuất đưa ra, ông Trần Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thông tin và Truyền thông, kiến nghị nên mở rộng chính sách cho doanh nghiệp phối hợp đào tạo để thu hút người học cũng như tăng cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn mong muốn các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, góp ý cho dự án luật trong thời gian tới. Đồng thời, Thứ trưởng yêu cầu Ban soạn thảo, tổ biên tập tiếp thu các ý kiến của người dân, dư luận xã hội, thực hiện tốt công tác truyền thông, bổ sung, hoàn thiện dự thảo Luật GDNN (sửa đổi) nhằm đáp ứng những yêu cầu mới từ thực tiễn.

Nguồn: https://moet.gov.vn/